Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam xếp hạng 32 thế giới về nhu cầu bao bì thực phẩm trong năm 2015 với 3,915 triệu tấn, nhu cầu này vào năm 2020 là 5,396 triệu tấn, tăng 38%, trong khi nhu cầu của toàn thế giới trong giai đoạn 2015 – 2020 chỉ tăng 13%.
Hút vốn ngoại
Tiềm năng tăng trưởng này đang khiến ngành bao bì ở Việt Nam trở thành “miền đất hứa” của vốn ngoại trong thời gian gần đây. Mới đây, công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm Tetra Pak (Thụy Điển) vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất bao bì công nghệ cao tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II – A, tỉnh Bình Dương.
Tetra Pak cho biết, giai đoạn đầu hoạt động, nhà máy có công suất khoảng 12 tỷ bao bì mỗi năm, phục vụ thị trường trong nước với nhiều chủng loại bao bì giấy đa dạng. Trước đó, năm 2016, Tetra Pak đã cung cấp khoảng 7,5 tỷ bao bì cho các nhà máy sản xuất thực phẩm trong nước như Vinamilk, Vinasoy, Mộc Châu…
Việt Nam được đánh giá là thị trường quan trọng nằm trong tốp 10 thị trường phát triển nhất của Tetra Pak toàn cầu do sức hấp dẫn của các sản phẩm sữa và đồ uống đóng hộp được dự báo sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng 6,5% trong cùng kỳ.
Ngành sản xuất sữa vẫn là ngành hàng lớn trong nước, dự kiến tăng gấp đôi lượng tiêu thụ trên đầu người, tới 28 lít/ người/năm vào năm 2020, trong khi thị trường nước trái cây tươi và nước cốt trái cây tươi dự kiến tăng 17,5% trong năm tới.
Ông Chris Kenneslly, Chủ tịch của Tetra Pak Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương, đánh giá đây sẽ là cơ sở để các nhà máy sản xuất bao bì phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS), cho biết mười năm trở lại đây, ngành bao bì Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng DN thành lập.
Theo đó, có khoảng 2.000 DN hoạt động trong ngành in – bao bì trên cả nước, Ngành bao bì nhựa có tốc độ phát triển nhanh nhất khoảng 15%.
Ông Sang cho rằng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đã thu hút hàng loạt công ty, tập đoàn lớn của thế giới đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ở thời điểm này, Chính phủ cũng đã cho phép các công ty có 100% vốn nước ngoài được hoạt động trong ngành in và bao bì. “Điều này đưa lại nhiều thách thức cho ngành bao bì Việt Nam nhưng mặt khác, nó chính là động lực thúc đẩy các DN trong ngành bao bì Việt Nam phải cải tiến về chất lượng, năng suất và đổi mới công nghệ”, ông Sang nói.
Trên thực tế, nhiều DN sản xuất bao bì Việt Nam đứng trước áp lực bị các công ty nước ngoài mua lại và sáp nhập (M&A) khi một số DN tên tuổi lần lượt về tay các nhà đầu tư của Nhật Bản, một số khác đã bán đến 80% cổ phần cho các tập đoàn Thái Lan hoặc Hàn Quốc.
Cụ thể, thương vụ công ty bao bì nhựa TC – một công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua lại 80% cổ phần của công ty Cổ phần Bao bì Tín Thành (Batico) với số tiền trên 44 triệu USD. Ngoài ra, SCG còn sở hữu nhà máy Kraft Vina thuộc công ty TNHH Giấy Kraft (Vina Kraft Paper Co., Ltd).
, Nhựa Việt Thành, Nhựa Long Giang . ..
SCG đánh giá, việc mở rộng đầu tư là để đón đầu nhu cầu bao bì đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam do sản xuất bao bì trong nước chỉ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa và tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
Cùng với đó, các DN Hàn Quốc, Nhật Bản cũng không đứng ngoài những thương vụ M&A ngành bao bì tại Việt Nam. Dongwwon Systems Corporation (Hàn Quốc) đã đầu tư 21,86 triệu USD mua công ty TNHH Bao bì Minh Việt, đồng thời chi thêm gần 39 triệu USD mua 47% cổ phần công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến.
Trước đó, MeiwaPax Group chi 15,38 triệu USD mua công ty Cổ phần Thương mại và Bao bì Sài Gòn (Saigon Trapaco); Oji Holding Corporation (Nhật Bản) mua công ty TNHH Bao bì United; Sagasiki Vietnam mua công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun.
Như vậy, mức tăng trưởng trên 10% đã khiến không ít tập đoàn nước ngoài “thèm khát” miếng bánh thị phần béo bở này.
Mong manh số phận bao bì Việt – Ảnh 1.
Doanh nghiệp ngoại ngày càng chi phối thị trường bao bì Việt
Bao bì nội đuối sức
Thị phần bao bì hiện nay vẫn tập trung vào các công ty nước ngoài như Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức), SCG (Thái Lan)… Ngành bao bì nhựa chiếm tới 90% thị phần là các DN Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Sang chia sẻ, dường như trong “cuộc chiến” này, các DN bao bì Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm như thiếu tầm nhìn, chiến lược dài hạn không rõ ràng, quản trị kém và thiếu hệ thống, năng suất thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng…
Trên thực tế, các DN bao bì FDI có nhiều lợi thế hơn DN trong nước, với máy móc, công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín, tự động nên chi phí thấp và năng suất cao, nên có đủ lợi thế hơn DN bao bì nội về giá thành.
Họ có nhiều lợi thế về công nghệ, giá nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, thị trường xuất khẩu càng tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ cho các DN nội, nhất là khi “miếng bánh” xuất khẩu của ngành bao bì nhựa là thị trường Mỹ, Nhật Bản.
Các chuyên gia cho biết, hiện Mỹ chiếm tới 60% xuất khẩu bao bì nhựa của Việt Nam và Nhật Bản chiếm 15%. Thời gian tới, có thể thị trường Nhật Bản sẽ gia tăng nhập khẩu nhựa bao bì từ Việt Nam thay cho các công ty bao bì Trung Quốc.
Song phần gia tăng này có nguy cơ lọt vào tay các DN ngoại khi mà các DN sản xuất bao bì nhựa nội địa còn đứng trước áp lực nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đến 70 – 80%, việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào giá thành sản phẩm, kéo theo năng lực cạnh tranh giảm so với DN nước ngoài.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch công ty Nam Thái Sơn, chia sẻ áp lực lớn nhất của các DN trong nước là phải thường xuyên đầu tư để cạnh tranh với các DN FDI trong ngành. Việc chạy đua đầu tư là tất yếu nhưng vì thiếu vốn nên DN Việt khó cạnh tranh được.
Chưa kể, các DN FDI gia nhập thị trường Việt Nam sau các DN trong nước nhưng họ có kinh nghiệm quản trị, tài chính mạnh do được hỗ trợ từ công ty mẹ, chấp nhận lỗ 3 – 4 năm để chiếm lĩnh thị trường, trong khi DN nội địa chỉ cần lỗ 1 – 2 năm là phải đóng cửa.
Ngoài ra, lợi thế của các DN FDI là nguồn khách hàng từ những nước của họ khi vào Việt Nam cũng sẽ tìm công ty cung ứng cùng quốc gia để hợp tác nên DN nội địa rất khó tiếp cận các khách hàng này. Và như vậy, trong sân chơi này, DN ngoại có nhiều lợi thế cạnh tranh và tạo sức ép rất lớn cho các DN nội.
So sánh tư điều kiện sản xuất, kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, DN FDI đều lấn lướt. Trong khi DN nội ngày càng chịu nhiều áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài, không chỉ lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thậm chí ngay cả với nguồn nguyên liệu trong nước, các DN nội vẫn chưa thể làm chủ .
Vừa qua, các DN sản xuất thùng các-tông, giấy bao bì trong nước đã điêu đứng bởi giá giấy cuộn các-tông tăng chóng mặt và khan hiếm do thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu gom sản phẩm này với giá cao.
Ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam
Các DN bao bì của Việt Nam đang phải cạnh tranh khá mạnh, nhất là với DN Trung Quốc. Các DN Trung Quốc có nhiều lợi thế như có ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh, nguyên phụ liệu rẻ hơn, dẫn đến giá thành sản phẩm khá cạnh tranh. Không chỉ cạnh tranh với các DN bên ngoài, ngay ở thị trường trong nước, ngành công nghiệp này cũng cạnh tranh rất khốc liệt với các DN FDI.
Ông Lê Hữu Dũng – Công ty Cổ phần Bao bì Bình Minh
Các DN bao bì nội chấp nhận bán công ty hoặc cổ phần của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khi thị trường tiêu thụ được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng phát triển là vì DN trong nước lo khi DN nước ngoài vào, họ sẽ đưa công nghệ hiện đại, quản trị tốt và mối quan hệ tốt với các tập đoàn sản xuất nước ngoài, đẩy các DN đến chỗ phá sản. Vì vậy, một số DN Việt Nam đã quyết định bán thị phần.
Ông Thái Anh Đức – Giám đốc công ty TNHHH Sao Lam
Làn sóng đầu tư của các DN Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… vào ngành bao bì Việt Nam đang tạo ra sức ép cạnh tranh không nhỏ cho các DN nội do các DN bao bì ngoại có thị trường xuất khẩu lớn, với ưu thế hơn hẳn về trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh vượt trội DN nội
Bình luận trên Facebook